Suy Niệm Chúa Phục Sinh

Thứ bảy - 30/03/2024 01:52
Thứ Bảy Vọng Phục Sinh
    Anh chị em thân mến! đọc kinh thánh chúng ta sẽ nhận ra một trong những đường lối giáo dục của Chúa với dân của Người và đó cũng là tiến trình mạc khải chính là sự Tiệm Tiến. Đường lối giáo dục tiệm tiến nghĩa là từng bước nhà giáo dục chọn một phương pháp phù hợp với nhận thức và khả năng tiếp nhận của người thụ hưởng. Hay nói theo ngôn ngữ của khoa “pulic speaking” chính là lấy người nghe làm trung tân “audience center.” Đối với Thiên Chúa, đường lối giáo dục tiệm tiến không chỉ cho thấy sự kiên nhẫn của Người mà còn là tình thương của Thiên Chúa với con người. Ví dụ, để chuẩn bị cho nhân loại đón nhận mạc khải qua con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã chuẩn bị cả một kế hoạch mà thánh Phaolo gọi là “từ muôn đời trong Đức Ki-tô”: khởi đầu từ công trình tạo thành thế giới “nhờ Người và muôn vật được tạo thành và quy hướng về Người,” và nhất là con người được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa; Đức Giê-su Ki-tô qua cái chết và sự phục sinh của mình hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa với cuộc sáng tạo mới để con người nơi cuộc sáng tạo đầu tiên thành con Thiên Chúa trong Người, là hình ảnh bản thể đích thực của Thiên Chúa. 
Các bài đọc của đêm vọng phục sinh mà chúng ta vừa nghe, cho thấy Thiên Chúa mạc khải qua việc huấn luyện dân của Người kinh nghiệm về việc cận kề sự chết cùng ơn tái sinh như một chuẩn bị cho giáo huấn của Đức Giê-su Ki-tô về chết và sống lại. Thật vậy, trong kinh nghiệm đức tin của Abraham, lời mời gọi của Thiên Chúa đòi ông hiến dâng Isaac là kinh nghiệm đau thương và khủng khiếp nhất. Ông phải tự tay sát tế đứa con duy nhất, đứa con của lời hứa để bày tỏ lòng tin và vâng phục của ông với Chúa. Ông bị đẩy tới giới hạn tột cùng vì chỉ chính vào lúc ông vung dao xuống sát tế Isaac, Abraham mới được lệnh ngừng lại. Hãy dừng lại để mường tượng khung cảnh này: lưỡi dao của Abraham dường như sắp chạm vào Isaac. Và như thế, không phải chỉ Abraham nhưng cả Isaac đã có kinh nghiệm cần kề cái chết. Abraham được lại người con và lời hứa về một dòng dõi chính từ kinh nghiệm chết đi sống lại như thế đó.
Bài đọc xuất hành cũng chung một kinh nghiệm như thế. Chỉ khi con cháu Giuse bị đặt tới chỗ bị huỷ diệt vì chính sách của Pharaoh Thiên Chúa mới sai Mô-sê đến cứu dân. Nhưng trước đó, chính Mô-sê cũng trải qua kinh nghiệm cận kề của cái chết: mẹ thả trôi sông rồi được công chúa Ai-cập cứu vớt; bị truy đuổi vì giết một người lính Ai-cập. Đặc biệt kinh nghiệm về cuộc vượt qua Biển Đỏ mà chúng ta vừa nghe cho thấy: chỉ khi nỗi sợ và nguy cơ bị tiêu diệt bởi chiến xa kỵ binh của Ai-cập chạm tới ngay lưng, Thiên Chúa qua Mô-sê mới cho nước quét sạch quân thù cứu đoàn dân của Người. Vì thế, với đoàn dân được cứu thoát, đó là kinh nghiệm mà họ chẳng bao giờ quên được “Chúa đã làm cho họ.” 
Kinh nghiệm của đoàn dân lưu đày ở Babylon với thời gian 50 năm mỏi mòn. Những kẻ trong đoàn người lưu đày đầu tiên dường như đã chết dần chết mòn trên đất khách quê Người. Hy vọng của một cuộc trở về dường như hoá thành tuyệt vọng. Cuộc huỷ diệt, xoá sổ của một dân thừa hưởng lời Chúa đã đến thật gần – một dân đang hấp hối trên đất lưu đày. Vâng! Chính lúc tưởng chừng như không còn gì, Thiên Chúa lại đưa họ trở lại với cuộc sống bằng hy vọng tràn trề. Họ đã trở về phục hưng lại quốc gia tôn giáo và đưa quốc gia dân tộc sang một trang mới. 
Giai đoạn đất nước Israel rơi vào tay người Hy lạp và sau cùng là người Roma. Với cái chết của tất cả những chiến binh Do Thái, ngoài trừ mấy phụ nữ và trẻ em, trong pháo đài Masada vào khoảng năm 135 scn, đất nước họ dường như bị xoá tên trên bản đồ thế giới, dân chúng tản mác khắp nơi. Cứ ngỡ thế là xong một dân tộc được Chúa chọn, nhưng thật không ngờ hơn 1500 năm sau (14.5.1948), dân tộc họ lại được phục sinh và phát triển thành một dân tộc tuy không đông nhưng thật hùng mạnh mọi mặt khiến kẻ thù chung quanh khiếp sợ và các dân tộc khác kính phục.
 Chúa Giê-su cũng có cách giáo dục tương tự. Trước lời cầu xin của ông Hội Đường Giai-rô, thay vì cứu chữa con gái nhỏ của ông, Người đã cố tình chần chừ để cô bé chết. Người đòi ông bước vào kinh nghiệm mất mát với lòng tin để được lại con mình trong niềm vui phục sinh vỡ oà.
Lagiaro, bạn của Chúa cũng thế. Khi hay tin báo Lagiaro bệnh nặng, Chúa Giê-su cũng đã nói với các tông đồ “bệnh này không đến nỗi chết nhưng là dịp để Thiên Chúa được tôn vinh.” Người có kế hoạch cho sự mạc khải của mình với chị em nhà Marta và những người tham dự. Vâng! Trước khi được lại em mình sau khi đã chôn em được 4 ngày, chị em Marta và Maria đã phải trải nghiệm kinh nghiệm mất mát tột cùng “Thưa thầy nếu thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết.” Điều Chúa muốn nơi chị em Marta và cả Lagiaro trải nghiệm sự mất mát hay đúng hơn sức mạnh của sự chết với niềm tin nó sẽ bị đánh bại bởi Thầy Giê-su “Đấng là sự sống lại và là chính sự sống.” Tất cả như chuẩn bị cho việc chính họ đối diện với kinh nghiệm về cái chết của chính Người. Vâng, Maria Madalena và các tông đồ phải trải nghiệm nỗi đau và tuyệt vọng vì thầy mình đã chết, được mai táng trong mồ và thậm chí có người đã bỏ cuộc trước khi được hưởng niềm vui CHÚA ĐÃ PHỤC SINH VÀ RA KHỎI MỒ RỒI ĐẾN VỚI CHÍNH HỌ. HALLELUIA.
Anh chị em thân mến! Chúa đã sống lại thật là tin vui cho tất cả chúng ta; cho cả những người đã ra đi trước chúng ta và; những người sẽ được hiện hữu trên trái đất này. Chúa đã sống lại vì Chúa đã chết thật, được chôn táng trong mồ thật sự và sống lại thật. Người không sống lại như Lagiaro nhờ vào bất cứ quyền lực thần thiêng nào nhưng vào chính quyền lực của Thiên Chúa Cha ban tặng cho Người vì đã dám tự huỷ, vâng phục Chúa Cha trong mọi sự cho đến chết và chết trên thập giá. Người đã sống lại thật theo nghĩa tròn đầy nhất, nghĩa là trước đó không có ai và sau này cũng không có ai được như vậy. Người sống lại thật nghĩa là không bao giờ chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa, nhưng đã bị đánh bại. Người sống lại thật còn theo nghĩa trở nên nguyên lý cho sự sống lại của những ai tin vào Người “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Tôi thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Tôi sẽ không chết bao giờ.” Người sống lại thật để mở đường dẫn lối cho chúng ta trở về quê hương đích thực của mình “Thầy đi để dọn chỗ cho các con và khi đã dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại để đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy.” Chúa đã phục sinh và vì thế, hành trình đời ta, những người tin không đi về cõi chết, gần đất xa trời nhưng đi về cõi sống, xa đât gần trời; đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ tuyệt vọng với cái chết đến hy vọng sáng lạn của sự sống muôn đời. Chúa Phục Sinh như thế để dắt ta về miền Đất Hứa tràn đầy sữa và mật ngọt của sự sống muôn đời. Halleluia.

SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Anh chị em thân mến! Lời Chúa trong Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay cho chúng ta thấy, tính vững chắc của niềm tin phục sinh, trung tâm của đời sống đức tin Công Giáo; bởi nếu Chúa không phục sinh, thì chúng ta là những người tội nghiệp vì không chỉ tin, sống và thậm chí chết vì tin vào một điều bịa đặt, mà còn là như thánh Phaolo “Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và đức tin của anh em cũng trống rỗng. Hơn nữa, chúng tôi bị coi là những nhân chứng giả dối về Thiên Chúa, vì chúng tôi đã làm chứng nghịch với Thiên Chúa mà rằng Người đã làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy; …..Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Vâng! Nếu Đức Ki-tô không sống lại, những lời cầu xin, những thánh lễ an táng, cầu hồn của chúng ta cho người đã chết trở thành ngu xuẩn, tốn tiền của công sức vô ích. Nhưng không phải thế ! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” Đó là lời rao giảng của Hội Thánh cho toàn nhân loại qua mọi nơi mọi thời. Niềm tin Phục Sinh của chúng ta có cơ sở vững chắc bởi 3 lý do căn bản.
Một niềm tin được các chứng nhân ban đầu tiếp nhận không hề dễ dàng. Tin Mừng theo thánh Marco được coi là Tin Mừng được trước tác đầu tiên, khi nói về các chứng nhân đầu tiên đã cho thấy sự cứng tin của họ. Bất chấp lời loan báo của Maria Madalena hay hai môn đệ trên đường Emmau “chúng tôi đã gặp Chúa” họ vẫn không chịu tin. Chính Chúa Giê-su phục sinh khi hiện ra với nhóm 11 cũng trách các ông “tại sao lại cứng tin.” Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho thấy: niềm tin phục sinh bắt đầu với một chi tiết khá mơ hồ xen lẫn sự hiểu lầm của một người phụ nữ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần.
Maria Madalena thấy rõ nhất là tảng đá lấp cửa mộ của Chúa Giê-su đã được lăn ra bên ngoài. Nếu có sẵn một tượng tượng hay một ước muốn bịa đặt về sự phục sinh của thầy Giê-su, chắc chắn Maria Madalena sẽ loan báo “Chúa đã thật sống lại.” Đằng này bà liền chạy tìm Phê-rô và người môn đệ Chúa thương mến để loan báo “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mồ. Và chúng tôi không biết người ta đã để xác Chúa ở đâu?” Cũng thế, thay vì phản bác nhận định của người phụ nữ bằng việc chắc chắn Chúa sống lại, nếu như thế có thể đây là điều các môn đệ biết trước, nhưng ở đây hai môn đệ dường như tin vào người phụ nữ. Họ cùng chạy đến nơi chôn cất Chúa Giê-su để xác minh thông tin của bà. 
So với Maria Madalena, hai người đàn ông đã đến mộ và lần lượt kẻ trước người sau vào trong mồ quan sát cách kỹ càng. Trong khi Phê-rô nhận thấy “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.” Một hiện trường trật tự gọn gàng hoàn toàn không giống như hiện trường một vụ trộm. Tuy nhiên, Phê-rô im lặng bước ra. Một sự thận trọng của nhà lãnh đạo. Còn môn đệ Chúa Giê-su thương mến, khi nhìn thấy hiện trường như thế, bằng trực giác của con tim qua những gì ông thấy, ông đã tin. Ông tin cái gì? Ông tin không phải cái ông thấy. Ông thấy hiện trường như một dấu lạ của Đấng đã chiến thắng tử thần, Đấng tự xưng mình “Ta là sự sống lại và là sự sống.” Nhưng nếu chỉ như vậy thôi cũng chưa thuyết phục được các ông. Chỉ đến khi Chúa hiện ra với các ông, cùng ăn uống trò chuyện với họ, cùng gợi họ về những kỷ niệm thân quen, thậm chí cho họ đụng chạm, thọc tay vào các vết đinh Chúa, lúc đấy họ mới nhận ra Thầy của mình đã chết mà nay đang sống với họ. Chúa đã thật phục sinh. Cuối cùng, và đây là bằng chứng có sức thuyết phục mọi người qua mọi nơi và mọi thời chính là: bất chấp những đe doạ, hành hạ, tra tấn, loại trừ và cuối cùng là cái chết, cũng không thể ngăn cản điều họ đã thấy và đã tin. Vâng! Không có kẻ nào ngu dại đến độ dám sống chết vì chính những gì mình bịa đặt. Niềm tin vào Chúa phục sinh đã thay đổi hẳn cuộc sống của họ.
Họ sống, nhắc nhớ và động viên nhau chúng ta “đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.”
    Anh chị em thân mến! không như người Việt Nam chúng ta, sau thánh lễ mừng Chúa Phục Sinh dường như chẳng có âm vang hay một nhắc nhớ nào tác động đến đức tin và cuộc sống. Chúng ta dường như dành ngày hôm nay để nghỉ ngơi, ăn nhậu và vui chơi giải trí. Người Tây Phương gặp nhau thay lời chào thường ngày bằng lời công bố “Chúa đã phục sinh. Halleluia.” Chúa đã thật phục sinh và vì thế, chúng ta cũng sẽ được trỗi dậy, được sống lại với Chúa và như Chúa nếu chúng ta sống liên kết gắn bó với Chúa và những gì thuộc về Người trong tin yêu và hy vọng. Chỉ được rửa tội, được lãnh các bí tích, tham dự các ngày chúa nhật và lễ trong, không đủ để coi là có liên kết mật thiết với Chúa. Chúng ta đã có kinh nghiệm về việc chúng ta ở bên nhau, thậm chí trong một gia đình nhưng con tim lại xa nhau vời vợi, không có liên kết yêu thương chia sẻ với nhau. Người có liên kết thì dù xa mặt nhưng không cách lòng. Họ luôn có nhau trong trí tâm và trong cuộc đời. Mừng Chúa Phục Sinh là niềm vui của đức tin vì chúng ta không phải là những kẻ tội nghiệp bị lừa dối, nhưng là hạnh phúc bởi được biệt sự thật cao sâu của niềm tin phục sinh. Xin giúp chúng con biết để cho niềm tin phục sinh thay đổi cuộc sống đức tin của chúng con, để đời này liên kết với Chúa, đời sau hy vọng được cùng sống lại với Người trong niềm vui mừng. Halleluia
lm Aug. Nguyễn Đức Lợi

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây